Di tích - Thắng cảnh Tri_Tôn

Chùa Xvaytonthị trấn Tri Tôn

1. Chùa Svay-ton (Xvayton): Địa danh Tri Tôn được xuất phát từ ngôi chùa Khmer này. Theo lời kể dân gian ngày xưa nơi đây ít người sinh sống, trên những ngọn cây cao có rất nhiều khỉ thường xuống đất níu kéo người. Nên khi xây chùa người dân đã đặt cho ngôi chùa tên là Xvayton (Xvay: Khỉ; Ton: đeo, níu kéo) sau này nói chạy là Xà Tón và nay là Tri Tôn. Ngôi chùa đã có lịch sử trên 200 năm, nằm ngay trung tâm của thị trấn Tri Tôn, trong chùa còn lưu giữ được bộ kinh Slấc-rích (kinh viết trên lá thốt nốt khô) rất có giá trị về văn hóa lịch sử của người Khmer.

2. Đồi Tức Dụp: Là một ngọn núi nhỏ của núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) thuộc xã An Tức. Tức Dụp có độ cao 216 m, diện tích trên 2 km² cấu trúc khá độc đáo rất nhiều hang sâu, động lớn và chằn chịt. Là khu căn cứ địa cách mạng, người Mỹ đã bỏ ra 2 triệu đô la để đổi lấy thất bại với ngọn đồi này. Hiện nay xung quanh khu vực dưới chân đồi đã xây dựng thành khu du lịch và giải trí khá rộng lớn. Các hang động được thiết kế đường đi kiên cố dễ dàng tham quan chiến trường xưa. Đặc biệt có khu giải trí bắn súng thật. (Tức Dụp đúng ra là Tức Chôp: Nước chảy như có phép màu)

3. Nhà mồ Ba Chúc:Cách thị trấn Tri Tôn khoảng 17 km về phía tây nam, Khu chứng tích được xây dựng nhằm tưởng nhớ 3157 người dân Ba Chúc bị Pol Pot (Khmer Đỏ) thảm sát, giết hại một cách tàn nhẫn dã man trong 11 ngày đêm vào năm 1978. Nhà mồ còn đang lưu giữ 1159 bộ xương cốt trong tủ kính. Xung quanh nhà mồ có Chùa Tam Bửu (tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) và Chùa Phi Lai (nơi vẫn còn để lại những vết máu trong cuộc thảm sát của Pol Pot)

4. Hồ Soài So:Nằm ngay dưới chân núi Cô Tô cách trung tâm huyện chưa đầy 2 km (lúc trước còn gọi là Suối Vàng) đây cũng là đường đi chính lên núi. Một nơi khá mát mẻ, yên tĩnh được thiên nhiên ban tặng. Do hồ nằm cạnh núi nên có thể leo núi thưởng ngoạn phong cảnh hoang sơ đắm mình với những con suối chảy trong xanh mát lạnh. Men theo chuyền núi là những ngôi chùa, ngôi miếu có thể nghỉ ngơi để chinh phục độ cao mới. Ở khu vực giữa núi có một nơi người dân gọi là Sân Tiên (bàn chân Tiên) theo tương truyền ngày xưa có một vị tiên đã in dấu gót giày xuống đây (dấu gót giày khoảng 5-6 gan tay). Xung quanh khu vực sân Tiên còn có bàn cờ và hầm chén.

5. Hồ Tà Pạ:Khoảng 8 năm trở lại đây thì có 1 hồ nước xuất hiện ngay tại núi Chưn Num (Tà Pạ) rất trong xanh và mát lành đó chính là Hồ Tà Pạ. Nó là dấu vết còn xót lại của khu vực khai thác đất đá đã bị cấm của một vài công ty khai thác trước đây. Chẳng phải mất bao lâu khi đi lên "hồ trên núi" từ chợ Tri Tôn bạn đi hết đường Nguyễn Trãi khoảng 1 km, đến cổng Chùa Chưn Num của người Khmer, bạn lên núi khoảng 200m đó là ngã ba có bức tượng chỉ đường, nếu đi theo các bức tượng chỉ đường bạn sẽ lên Chùa Chưn Num, lên đây bạn được ngắm toàn bộ thị trấn Tri Tôn ở độ cao khoảng 50m tại tháp phật Thích Ca vừa mới xây xong theo kiến trúc của người Khmer rất đẹp. Còn nếu bạn đi thẳng theo chỉ đường của bức tượng thứ nhất bạn sẽ đến ngã ba, bên phải là trạm phát thanh truyền hình, bên trái chính là đường đi đến Hồ Tà Pạ. Một cánh đồng to lớn và một Núi Tô hùng vĩ trước mắt bạn, phong cảnh nên thơ hữu tình và một bên là hồ Tà Pạ trong xanh, hãy đem theo máy ảnh chụp cho mình những bức ảnh kỉ niệm gần gũi với thiên nhiên lưu lại những dấu ấn của miền núi Tri Tôn trong chuyến hành trình.

6. Ô TÀ SÓC – NÚI DÀI XÃ LƯƠNG PHI:Ô Tà Sóc, theo tên gọi của người dân tộc Khmer. Tức là suối Ông Sóc, nằm trên triền cao của núi Dài (Ngọa Long Sơn), nay thuộc ấp Ô Tà Sóc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ô Tà Sóc là căn cứ vững chắc của cách mạng, nơi Tỉnh ủy An Giang trú đóng từ năm 1962 đến năm 1967, sau đó Tỉnh ủy Châu Hà cũng có thời gian đóng nơi đây. Sau đây là những nét khái quát tiêu biểu về lịch sử hình thành và phát triển của căn cứ Ô Tà Sóc.

Từ cuối năm 1959, các cơ quan của Tỉnh ủy ở Thường Phước (Hồng Ngự) dời về Núi Tô (Tri Tôn) để trực tiếp chỉ đạo phong trào đồng khởi ở An Giang. Năm 1960 căn cứ Tỉnh ủy dời qua Tức Dụp, cuối năm 1961 dời xuống đồng tràm Hà Tiên, mùa khô năm 1962 dời về Núi Dài lớn (tại Giếng Nồi phía trên Ô Cạn). Cuối năm 1962 căn cứ Tỉnh uỷ chính thức chuyển về Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn). Tại đây một tuyến phòng thủ mạnh được xây dựng bằng những hàng rào bãi chông, trái nổ cùng lòng can đảm của cán bộ, chiến sĩ dựa vào địa hình hiểm trở của núi rừng để bám trụ chiến đấu.Tỉnh ủy đã chọn địa điểm làm văn phòng rất kiên cố và ổn định ở một hang sâu rộng rãi với tên gọi dân gian là Điện trời gầm. Rãi rác quanh văn phòng là các ban ngành chức năng giúp việc cho Tỉnh ủy như Ban Tuyên huấn, Ban tổ chức, Ban Thông tin - cơ yếu, Ban binh vận, Ban An ninh, đội Hỏa tốc,… và các cơ quan khác ở Núi Dài bên phía Lê Trì, Ba Chúc như Tỉnh đội, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh, ban giao lưu. Để bảo vệ an toàn căn cứ, Ban An ninh tổ chức ba chốt bảo vệ: một chốt ở chân Núi Dài, một chốt tại văn phòng Tỉnh ủy và một điểm cao phía trên văn phòng Tỉnh ủy để quan sát rộng và đảm bảo an toàn khu vực.Bên cạnh các cơ quan Tỉnh ủy, suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ Ô Tà Sóc còn là căn cứ của nhiều đơn vị của huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Đặc biệt từ năm 1969 nơi đây cò là địa điểm dừng chân và hợp đồng chiến đấu của các Trung đoàn chủ lực từ niềm Đông chi viện vào các tỉnh niềm Tây Nam Bộ. Từ năm 1968 đến năm 1971 Ô Tà Sóc là căn cứ của phân ban Tỉnh ủy An Giang do đồng chí Vũ Hồng Đức (Mười Đức) Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cánh mạng tỉnh An Giang phụ trách. Cũng có lúc Tỉnh ủy Châu Hà và Long Châu Hà (1972-1975) cũng lấy Ô Tà Sóc – Núi Dài làm căn cứ. Từ Ô Tà Sóc, thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các đơn vị địa phương trong toàn tỉnh tích cực tiến công tiêu hao, tiêu diệt địch; phát động quần chúng nổi dậy diệt ác ôn, phá ấp chiến lược, khu gom dân; đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị ở các thị xã, thị trấn đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ; chống Mỹ Ngụy càn quét, bắn giết dân lành … Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy các đia phương trong tỉnh đều lên kế hoạch xây dựng xã – ấp chiến đấu, kết hợp phong trào chính trị của quần chúng đồng loạt nổi dậy chống Ngụy quyền, phá ấp chiến lược, ấp tân sinh. Lực lượng vũ trang triển khai lực lượng tổ chức nhiều trận chống càn, dồn dập đánh đồn diệt địch, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ của Mỹ ngụy.

7.Hồ Soài Chés:Một hồ nước thuỷ lợi, mới hoàn thành xong năm 2016. Với dung tích chứa 293.000m3, hồ Soài Check ở ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang vừa đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng, vừa phục vụ sản xuất và bảo vệ rừng phòng hộ trong lưu vực 2,26 km².Đi vào hồ bằng con đường mới dưới chân đồi Tà Pạ.- Vừa ra cổng chùa Tà Pạ, chạy xuống núi có ngã tư Tà Pạ, bạn quẹo phải chạy khoảng 500m sẽ thấy một con đường nhựa bên phía tay phải dưới chân đồi Tà Pạ.- Chạy hết con đường nhựa này sẽ đến Hồ Soài Chek. Đường rộng rãi dễ đi, một bên là sườn đồi Tà Pạ, một bên là đồng lúa dưới chân núi Cô Tô.Tại hồ bạn thoả thích chụp ảnh và ngắm hoàng hôn.